Về chợ, còn đang lấn bấn cái nỗi thèm ăn đủ thứ mà không có tiền… thì… má lại đem cho cái ơ kho quẹt – Cái ơ kho của má lấy đâu ra dế cơm, ễnh ương, rắn mối, lấy đâu ra nấm sao, nấm mối… Cùng Monngonviet.net tìm hiểu chi tiết ở bài viết này nhé!
Sau mấy mươi năm xa cách, vào ngày đoàn tụ gia đình, việc trước tiên là má lật lòng bàn chân phải của con gái thứ năm. Má cười thật tươi tắn:
– Đó! Thấy không? Cái nốt ruồi dưới lòng bàn chân phải của nó còn đây nè. Hèn chi nó đi biệt tăm biệt tích.
– Đâu, đâu! Cả nhà xúm lại xem, không phải cười cái nốt ruồi, mà cười tán thưởng má hay quá, con má đông mà sao cái nốt ruồi hay cái bớt gì đó má cũng nhớ; dù con nhỏ này má mướn vú nuôi, nên đâu có cảnh mỗi khi cho bú, người mẹ nào cũng vạch từng ngón tay ngón chân của con săm soi.
Và, khi “sữa xuống nắng” (1), hài nhi nuốt ừng ực, hoa sữa ửng đỏ rần rần khắp châu thân đứa trẻ đang được dòng sữa mẹ ào ạt lưu thông. Vậy mà má vẫn nhớ “cái dấu” má đã in dưới bàn chân con gái! Tôi ôm hôn má, “nụ hôn hoàn cảnh” mới ngượng ngùng làm sao, vì là – hình như đó là cái dịp đầu tiên tôi dám bộc lộ tình cảm với má, bởi tôi luôn mặc cảm tôi không phải là đứa con được yêu thương trong nhà.
Sau mấy ngày đoàn tụ, má tới thăm chung cư chỗ chúng tôi ở. Trước đây trong một bài nhớ má, tôi có nhắc má mặc áo dài màu xám tro bông trắng lấm tấm, cầm bóp đầm, xách dù, choàng khăn the bông nhung, xức dầu thơm, sang trọng và lịch thiệp – má đi thăm những đứa con ở rừng về.
Má bước vô nhà, nhìn khắp căn phòng. Má cảm tưởng: bây giờ đây, má đã tới Sài Gòn. Các con ở tận sáu tầng lầu, mỗi tầng là má mường tượng: Cà Mau lên tới Bạc Liêu, qua Cần Thơ, Vĩnh Long, Mỹ Tho, Tân An, tới lầu sáu là tới Sài Gòn.
Má thích pha trò, hay tưởng tượng và lúc nào cũng đàng hoàng, tự trọng trước mặt các con. Má nói đi gặp con – dù là đứa nào – má không đem lại sự phiền hà, trách cứ khó dễ. Và, hình như đã thành thói quen, má hay lục đồ chơi nho nhỏ má chưng trong tủ kính, đem đi làm vui con cháu, nhứt là bạn gái “từng ní” (2) của má.
Má vừa hỏi thăm, nhưng thấy con gái và chàng rể đứng lóng xóng, thừa tay thừa chân, chưa biết cơm nước tính sao đây, thì vội giải vây ngay:
– Má còn đi thăm bà con ngoài chợ Bến Thành. Đây, má tặng thằng rể hũ dưa đầu heo má mới làm, tặng con gái ơ kho quẹt, cái ơ này qua mấy trận giặc mà má đâu nó đó, thấy nó méo mó đen thui vậy chớ “gặp cơm là ôm nồi đó đa”!
Má gói cái ơ tới năm sáu lớp giấy nhựt trình, hai cái quai láng lẩy như các chất gia vị kho tiêu kho quẹt của má đã mấy mươi năm tồn tích.
Má nói sợ bị xét nên phải giấu, sợ người ta nghi ngờ, mắc công mấy con bảo lãnh! Chúng tôi vẫn ngơ ngơ ngác ngác, sau này mới nhớ mấy dì mấy cậu và má tôi rất có khiếu hài hước nửa đùa nửa thật, xứng danh con cháu bác Ba Phi xứ Cà Mau.
Ôi, xa nhà đã mấy chục năm trời, làm sao hiểu được cái ơ kho quẹt là món quà đầu tiên má tặng cho mình có ẩn ý gì khi gặp lại con – đứa con gái xấu xí, hẩm hiu, đa sầu, đa cảm khó chịu nhứt nhà.
…
Ngày ở rừng, tôi đã nổi tiếng với món kho quẹt, đã lừng lẫy đến nỗi trong một cuộc họp mặt rất đông anh em, nhạc sĩ H.H. đã đứng lên giới thiệu: Xin giới thiệu nhà thơ L.G., nổi tiếng nhờ món kho quẹt không thể nào quên! Thật vậy, ở rừng, tôi kho quẹt dế cơm, thằn lằn, rắn mối, ễnh ương, đậu xanh, đậu phộng, nấm mối, nấm sao…
Đến nỗi soạn giả T.H. còn xuýt xoa món bí đao kho quẹt của tôi (!). Cốt lõi không cầu kỳ thịt cá tôm tép kho mà là nước mắm, tiêu, mỡ keo sắc lại chấm với rau rừng, rau tập tàng luộc. Những năm tháng chiến tranh ấy, bao nhiêu giang hồ hảo hán thập phương hễ tan trận sinh tử là đói bụng, là ghé qua mái tăng của tôi, không có gì thì cũng là món mối càn béo ngậy từa tựa con nhộng, hoặc những con vũ nữ đang chơi đánh đu theo vách chiến hào, bỗng chốc bị kho rim.
Về chợ, còn đang lấn bấn cái nỗi thèm ăn đủ thứ mà không có tiền… thì… má lại đem cho cái ơ kho quẹt – Cái ơ kho của má lấy đâu ra dế cơm, ễnh ương, rắn mối, lấy đâu ra nấm sao, nấm mối… làm nức mũi, rớt nước miếng, tốc dậy mái tăng để ngồi xúm xít luộc rau rừng, mút đầu đũa hít hà?
Cái ơ kho đã theo má qua bao trận giặc rồi, có thể là ngày xửa ngày xưa khi con nước riu riu ngoài sông Cái, tôi ra sông câu cá chốt giấy, má kho quẹt cho ba – cũng cái ơ này!
Chà! Cảm xúc thật bồi hồi, tràn lan, có níu lại cũng bị dùng dằng, vì cái ơ kho quẹt đã thành kẻ chợ rồi má ơi! Những anh hùng Lương Sơn Bạc lừng danh, những mỹ nhân Bắc hà, những hảo hán giang hồ đáng kính… đều chấm chấm mút mút, ghiền, thèm, hít hà… Cái gia tài của má mà má đâu nó đó, đã làm cho con gái của má tiếp tục nổi tiếng cùng cá bống kèo, cá bống trứng, tôm tích, lòng tong, nghêu, sò, lò tho, trê vàng, thịt ba rọi… chơi với rau dền cơm, rau ngổ, đậu bắp, đậu rồng… cứ quẹt vào cay cay mặn mặn dễ quên lãng sự đời.
…
– Chị Năm ơi! Còn cơm nguội không chị Năm ơi! Đói bụng quá chị Năm ơi!
…Giờ thì tôi không lật đật chạy ra mở cửa, rồi tất tả bắc cái ơ kho lên nữa. Vì đó chỉ là tiếng vọng của quá khứ. Vì, sự “nổi tiếng” kiểu như cái ơ kho quẹt của má sẽ trở thành kỷ niệm hiếm hoi và thật êm đềm.
(1) Sữa xuống nắng: Sữa trong vú mẹ căng đầy, chảy tràn ra ngoài
(2) Từng ní: (tiếng Tiều) bằng tuổi