Một thời nước lọ cơm niêu từ xa xưa mà không thể quên

Gọi là nước lọ cơm niêu cho có vẻ “thương cảm” một chút. Khách trả cho bữa cơm này mất 7 hào, trong khi một đĩa cơm rang thập cẩm ở quán ăn Mỹ Kinh hoặc Đông Hưng Viên chỉ có 3 hào. Cùng Món Ngon Việt trải nghiệm những điều thú vị này nhé!

Vào khoảng những năm 1939-1940, tình hình xã hội có những đợt sóng xáo động mạnh. Nước Pháp bị Đức thôn tính. Chiến tranh Thái – Pháp. Thực dân Pháp đàn áp khốc liệt các cơ sở cách mạng. Bộ máy cai trị của Pháp bị xộc xệch. Các cơ sở cách mạng của ta hoạt động mạnh.

Lọ cơm niêu nồi đất
Lọ cơm niêu nồi đất

Đâu cũng có những lớp học của Hội truyền bá Quốc ngữ và các cơ sở tổ chức lực lượng cách mạng. Nhiều người có tâm huyết, đi tìm cách mạng. Nhiều người rủ nhau lên chiến khu. Nhiều người có những điều ngơ ngác, trông chờ vào một điều gì đó sắp xảy ra không cụ thể. Cũng có những người nghĩ đến chuyện: “Ra đi không hẹn có ngày mai”. Có những người sống tiêu cực. Lại thêm kinh tế gặp khó khăn… Đó đây vang lên vài lời thơ của Thế Lữ:

Non nước đang chờ gót lãng du,
Đâu đây, nghe tiếng vọng chinh phu.
Lòng em phơi phới quên thương tiếc,
Đưa tiễn anh đi chốn hải hồ…

Lúc này, ở Hà Nội có ba cơ sở bán nước lọ cơm niêu. Một ở Phố Hàng Giày, một ở Hàng Giấy. Nhưng đáng kể nhất là trên Phố Đinh Liệt, nay ở vào khoảng gần phía sau Nhà hát kịch Hà Nội. Đó là một cái nhà kho bỏ hoang, ánh sáng lờ mờ. Cửa hàng luộm thuộm, chẳng có biển đề, cũng chẳng có quảng cáo. Khách ra, vào lầm lỳ chẳng nói năng gì. Khách ăn chỉ cần đưa vào 7 hào rồi lấy ra một suất nước lọ cơm niêu đặt trên một cái mẹt đan bằng tre, có đường kính chừng 20cm. Khách cầm lấy cái mẹt, tự tìm lấy một mảnh chiếu nhỏ hoặc một cái đòn ngồi rồi ra ngồi một mình ở một góc hay chỗ nào đó tùy ý. Suất ăn trên mẹt gồm có một niêu cơm nhỏ, một chiếc đũa cả ngắn, một đôi đũa nhỏ và ngắn, kiểu đũa ăn rượu nếp và bốn cái chai nhỏ có sức chứa chừng 20ml và được bịt kín bằng chiếc nút bấc.

Lọ cơm niêu
Mầm cơm niêu nồi đấy thơm ngon mà giờ đây ít bắt gặp

Trong niêu nhỏ có hai bát cơm được thổi sẵn trong một nồi to. Cơm được đong vào niêu, ở giữa là các thức ăn gồm: Một miếng thịt bò, một miếng thịt gà có da vàng, một miếng thịt lợn rán có đủ cả bì, mỡ và nạc, một miếng gan xào, một dúm trứng cáy hoặc tôm nõn, hai cái nấm, một cánh mộc nhĩ,… Tất cả được rưới lên một chút nước đậm có hồ tiêu. Cơm được thổi bằng gạo tám thơm và tám xoan. Mỗi loại gạo chiếm một nửa.

Gạo tám thơm có vị thơm đậm đà, còn gạo tám xoan lại có vị thơm sắc sảo. Cơm gói các món ăn ở giữa. Chiếc niêu được đệm một tờ giấy báo rồi được nắp vung đậy lèn cho kín và được hâm nóng cách thủy.

Bốn chiếc chai nhỏ đặt trên mẹt đựng bốn thứ phụ gia cho bữa ăn. Chúng gồm: Một chai nhỏ nước canh như kiểu nước xuýt, một chai nhỏ nước mắm cà cuống, một chai nhỏ đựng rượu vang và một chai nhỏ có những hai ba ngụm nước trà.

Như vậy là đủ mùi vị cho một bữa ăn đối với một kẻ giang hồ, kẻ độc thân, kẻ đang có điều gì phiền muộn hay cho một kẻ lãng mạn, muốn cái điều: “Một mình làm cả cuộc chia ly”. Lại đáp ứng được cái thưởng thức mùi vị cô đơn, muốn được thỏa mãn trí tò mò, lập dị…

Khách ăn cầm lấy chiếc đũa cả ngắn đập vào cái niêu đỏ au, mới toanh do Làng Thổ Hà sản xuất làm vang lên một âm thanh “bốp”. Chiếc niêu vỡ ra, bữa ăn được bắt đầu. Khách ăn thật thoải mái, sung sướng được có cái thú tự tay đập phá một cái gì đó làm vui. Cũng như cái cách thức ở bên phương Tây mở chai sâm banh, đập tan một cái cốc trong bữa tiệc lấy may. Hoặc như khi một con tàu hạ thủy, người thuyền trưởng được cái quyền ưu tiên là đập vỡ một chai sâm banh…

Ăn uống xong, khách ăn chỉ lẳng lặng ra đi, phủ ống quần, mục thị vô nhân, ra ngoài đường nhập vào phố xá bụi bặm và ồn ào. Thực ra, gọi là nước lọ cơm niêu cho nó có vẻ “thương cảm” một chút. Khách trả cho bữa cơm này mất 7 hào, trong khi một đĩa cơm rang thập cẩm gọi là cơm Hoa Kỳ ăn no được ở quán ăn Mỹ Kinh hoặc Đông Hưng Viên tại Hàng Buồm chỉ phải trả có 3 hào.

Lọ cơm niêu
Lọ cơm niêu nồi đất thơm ngon

Trong một thời gian ngắn, nước lọ cơm niêu đã trở thành một cái mốt. Mọi người đánh tiếng nhau, mách nhau, đưa nhau đi ăn. Một số nhà văn, nhà báo cũng rủ nhau đi thưởng thức mỗi khi lĩnh được nhuận bút.

Đã là mốt, mà nhất là lại là mốt ẩm thực nên nó luôn luôn thay đổi và nhõng nhẽo. Đến gần cuối năm 1940, cái mốt này cũng bị nhạt dần rồi đi vào quên lãng.

Tuy vậy, “nước lọ cơm niêu” cũng khá đặc sắc. Nó cũng ghi được vài dòng khiêm tốn trong văn hóa ẩm thực của chúng ta. Hi vọng với các thông tin chia sẻ này của Monngonviet.net sẽ giúp ích được cho bạn đọc nhé!

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Lên đầu trang